Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo - Lưu giữ văn hóa tâm linh với nghệ thuật gốm thủ công Nam Bộ (Quốc An)

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo - Lưu giữ văn hóa tâm linh với nghệ thuật gốm thủ công Nam Bộ (Quốc An)

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo - Nguồn: 

https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/16176

Trong mỗi chúng ta ắt hẳn ai cũng có một khái niệm và cảm nhận nhất định về sự xoay vần khôn cùng của thời gian. Tuy nhiên, đã bao giờ ta đặt khái niệm thời gian song hành cùng dòng chảy lịch sử của nghề gốm thủ công truyền thống để thực sự hiểu thấu sự khôn cùng ấy?

GỐM VÀ XƯA

Các nền văn minh hưng thịnh đó rồi lại suy tàn. Như hôm nay đây ta lần giở sử sách để tìm hiểu về nền văn minh Maya, Ai Cập, Ấn Độ… Liệu chúng ta có trăn trở rằng thế hệ mai sau – những người con, người cháu của ta sẽ nhớ đến văn hóa của thế hệ hôm nay như thế nào?

Ngày nay, gốm cũng đã được chứng minh là một nhân tố để cung cấp các góc nhìn, nhận định về lịch sử nói chung và lịch sử Phật giáo nói riêng. Trong quyển sách “Nguồn gốc văn minh” của tác giả Will Durant được dịch bởi Nguyễn Hiến Lê đã chỉ ra rằng đồ gốm thực chất đã xuất hiện từ rất sớm ở giai đoạn người sơ khai. Và ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, đề tài trên gốm sẽ thay đổi, góp phần thể hiện một số khía cạnh văn hóa của giai đoạn đó.

Nghề gốm thủ công là một trong những ngành nghề có truyền thống lâu đời của Việt Nam, phát triển rực rỡ nhất khoảng từ cuối thế kỉ X, khi nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập. Đó cũng chính là thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, do đó đề tài Phật giáo đã ảnh hưởng không ít đến các hình ảnh, hoa văn, hoạ tiết trang trí trên gốm. Ví như thời Lý, từ vua quan đến dân chúng đều sùng tín đạo Phật, tôn làm quốc giáo. Thế nên các tòa tháp thu nhỏ, các phù điêu trang trí, các loại gạch lát nền… bằng đất nung không phủ men được khai quật dưới các phế tích đời Lý, thể hiện những đề tài Phật giáo như: Hình Đức Phật tọa thiền, hình rồng ẩn mình trong cánh hoa sen, lá bồ đề hay bay trên mây hoặc đùa giỡn cùng sóng nước. Ngoài loại gốm đất nung, thời Lý còn sản xuất được loại gốm gia dụng cao cấp phủ men ngọc, men ngà, men xanh lục rất đẹp. Hoa sen là nguồn cảm hứng dạt dào để tạo mẫu. Những loại bát, đĩa có đồ án trang trí hình hoa sen búp, nở bằng cách đắp nổi hoặc khắc chìm trước khi phủ men đặc sắc. Cuối thời Lý phát minh thêm màu men nâu đậm đà có thể dùng bút lông tô, vẽ thẳng lên cốt gốm. Nhờ đó các đề tài trang trí phong phú và bay bướm hơn. Đến thời Trần, đạo Phật vẫn được cả nước tôn sùng. Vua quan và dân chúng xây dựng chùa tháp khắp nơi. Trên cơ sở truyền thống, nghề gốm liên tục phát triển. Các đề tài Phật giáo như: hình Phật, rồng, hình tháp, hoa sen, hoa cúc, lá bồ đề… vẫn thể hiện trên các vật phẩm gốm xây dựng trang trí và thờ cúng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng. Ở thời Mạc, văn minh đắp nổi hay khắc chìm trên các sản phẩm gốm ghi lại đủ mọi thành phần xã hội, tăng, tục, nam, nữ… phản ánh tinh thần bình đẳng trong chốn Thiền môn [1].

Ngày nay, dọc theo chiều dài đất nước Việt Nam, nơi đâu nghề gốm thủ công cũng để lại dấu ấn với các sản phẩm tinh xảo, độc đáo ghi đậm hơi thở của văn hóa vùng miền.

Miền Bắc xưa có một số trung tâm gốm cổ như: Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang), Hương Canh (Vĩnh Phúc). Nhưng gìn giữ và phát triển đến hiện tại phải kể đến làng nghề gốm Bát Tràng. Danh tiếng của Bát Tràng đã vươn xa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Miền Trung lại có những điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa mang đặc thù riêng biệt từ vùng đất Champa xưa, nên nghề gốm thủ công cũng mang dấu ấn của người Chăm. Sự giao hòa giữa hai dòng gốm Việt – Chăm đã tạo dấu ấn về một dòng gốm mộc mạc, giản dị, thô ráp mà không kém phần cuốn hút bởi đất sét nâu và đất sét vàng ở đây. Tiêu biểu có thể kể đến gốm Gò Sành (gốm cổ) và Bàu Trúc (còn được lưu giữ). Cuối cùng là gốm Nam Bộ được “sinh sau đẻ muộn” trong quá trình khai phá vùng đất mới (thế kỷ XVI đến nay). Vùng phân bố của loại gốm này hiện nằm trong địa bàn TP. Hồ Chí Minh và hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Căn cứ vào mối liên hệ cội nguồn và quá trình phát triển của gốm ở khu vực Đông Nam Bộ, một số nhà nghiên cứu gọi chung loại gốm sản xuất ở đây từ đầu thế kỷ XX trở về trước là gốm Sài Gòn, gồm sản phẩm của “xóm lò gốm Sài Gòn xưa”, gốm Biên Hòa và gốm Lái Thiêu. Ở phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về gốm thủ công Nam Bộ nói chung cũng như đề tài văn hóa tâm linh trên gốm thủ công Nam Bộ nói riêng.

Đối với nghề làm gốm muốn tồn tại và phát triển phải có vị trí thuận lợi: là nơi có hoặc gần nguồn nguyên liệu, có hệ thống đường thuỷ tiện cho việc chuyên chở hàng hóa đi nhiều nơi, gần trung tâm thương nghiệp để nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường… Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa đã có những điều kiện thuận lợi, như: nguyên liệu ở đây thích hợp cho việc sản xuất các loại gốm gia dụng và gốm xây dựng. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, làng nghề này lại ở giữa Sài Gòn – nơi tập trung nhiều phố chợ nhất miền Gia Định khi ấy. Nam bộ lúc đó là vùng đất đang trong quá trình khai phá nên nhu cầu về đồ gốm gia dụng rất lớn, do vậy thị trường của xóm Lò Gốm không phải chỉ ở Sài Gòn-Bến Nghé mà còn cả miền Tây rộng lớn. Từ cuối thế kỷ XIX quá trình đô thị hóa diễn ra ở Sài Gòn-Bến Nghé và một số thị tứ ở Nam bộ, sản phẩm của xóm Lò Gốm có thêm các loại hình mới phục vụ nhu cầu xây dựng, trang trí kiến trúc của đình, chùa, hội quán, phố chợ, công sở, nhà ở… Khảo sát các di tích cổ ở nhiều tỉnh Nam bộ đều thấy phổ biến các loại gốm trang trí, thờ cúng, nhiều di tích nổi tiếng với những quần thể tượng trang trí trên mái nhà hay tượng thờ, đồ thờ trong nội thất… [2].

Hiện nay, sản phẩm gốm Cây Mai còn có một khối lượng lớn quần thể tượng trang trí, tượng thờ, vật thờ bằng đất nung, gốm sành được lưu giữ ở nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian và các tư gia. Trên đồ gốm Sài Gòn còn ghi những hàng chữ như năm sản xuất và chữ điếm (tiệm), diêu (lò), như: tượng Giám Trai ở chùa Giác Viên (quận 11), ở góc dưới bên phải có ghi: “Đề ngạn, Nam Hưng Xương, Điếm Tố”, “Canh Thìn Trọng Đông Cát Đán Lập” (1880). Ở miếu Thiên Hậu (Quảng Triệu Hội quán – quận 1) trên quần thể tiếu tượng gốm ở phần sân miếu có những bảng gốm chữ nổi “Lương Mỹ Ngọc Điếm tạo” (tiệm Lương Mỹ Ngọc tạo), “Quang Tự Thập Tam Niên” (1887) và “Thạch Loan Mỹ Ngọc tạo” (lò Mỹ Ngọc ở Thạch Loan tạo), “Quang Tự Đinh Hợi Tuế” (1887). Cũng ngay trên quần thể tiểu tượng này còn có những bảng gốm khác ghi: “Đề Ngạn Bửu Nguyên Diêu tạo” (lò Bửu Nguyên ở Đề Ngạn làm), “Dân Quốc, Tân Dậu Trùng Kiến” tức trùng tu năm Tân Dậu, Trung Hoa Dân Quốc (1921). Chữ Diêu còn gặp ở một số di tích khác như: Ở đình Minh Hương Gia Thạnh (quận 5), trên quần thể tiểu tượng bằng gốm có ghi “Mai Sơn, Đồng Hòa Diêu Tạo” (lò Đồng Hòa – Mai Sơn tạo), “Thiên Liên, Tân Sửu Niên Lập” (1901) hoặc ở miếu Thiên Hậu (Tuệ Thành Hội quán – quận 5) trên những quần thể tiểu tượng gốm trang trí trên nóc miếu có ghi “Bửu Nguyên Diêu Tạo” (lò Bửu Nguyên tạo), “Mậu Thân Niên Lập” (1908), “Đồng Hòa Diêu Tạo” (lò Đồng Hòa tạo), “Quang Tự Mậu Thân”… [3].

Quá trình tạo tác tượng Phật nói chung hay tượng Phật Thích Ca nói riêng được nghệ nhân điêu khắc – anh Hùng tại Xưởng Thủ Biên chia sẻ là cả một quá trình cân – đong – đo – đếm về thẩm mỹ và kỹ thuật để có được sản phẩm mang tính nghệ thuật cao đến người thưởng thức.
(Ảnh: Vườn Nhà Gốm)

Đến hiện tại, xóm Lò Gốm cũng như các sản phẩm mỹ thuật của nơi ấy (gọi chung là gốm Cây Mai) hầu như đã mai một. Gốm đa phần chỉ còn là câu chuyện được kể trên đất sét. Vì những nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan (đô thị hóa, kênh rạch bị lấp cản trở giao thương, nhu cầu tiêu dùng…), xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa đã khép lại những trang sử cực thịnh. Tại vùng đất hoàng kim của gốm thủ công Nam Bộ khi xưa, nay chỉ còn mỗi lò gốm chuyên làm bếp lò của ông Năm Tiếp. Viết tiếp câu chuyện của nghề gốm thủ công truyền thống chính là các sản phẩm của gốm Biên Hoà và gốm Lái Thiêu.

Các thợ gốm ở Sài Gòn dần dời về vùng ven, và Lái Thiêu là điểm đến lý tưởng, nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào, việc giao thương thuận tiện đi các vùng miền khác thông qua cảng Bà Lụa. Những lò gốm dần hình thành với ba trường phái rõ rệt, đặc trưng của gốm Lái Thiêu xưa, đó là dòng gốm Quảng Đông, Phước Kiến, và Triều Châu. Nếu như ở gốm Sài Gòn, thế mạnh là sản xuất các dòng đồ tự khí (thờ cúng), đồ dùng cao cấp, với những kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ, chi tiết, đặc sắc thì sang đến gốm Lái Thiêu, các lò gốm tập trung vào sản xuất dòng đồ gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của giới bình dân như: tô, chén, dĩa, hũ, hộp, ống nhổ, tượng (tô lớn), tộ, ơ, thố, ấm, xanh, gối, đến sản phẩm sân vườn như đôn, chậu, bình bông, choé, khạp, lu, đồ thờ cúng tượng, bát nhang, đèn… [4].

Trong khi gốm Cây Mai sử dụng kỹ thuật nặn tay, đắp nổi là chủ yếu; gốm Lái Thiêu lại mạnh về kỹ thuật vẽ trên gốm cũng như sở hữu những màu men hoả biến độc đáo do sản phẩm được nung trong lò củi; thì gốm Biên Hoà được nhớ đến bởi sự tinh xảo của kỹ thuật xoay gốm trên bàn xoay, chạm khắc, chạm lộng, trang trí nét chìm, vẽ nét chìm kết hợp với chạm lộng rồi tô men. Có thể nói, trình độ của gốm Biên Hoà đã vươn ra tầm quốc tế. Năm 1903, người Pháp thành lập Trường dạy nghề Biên Hòa (École Professionnelle de Bien Hoa), cũng được xem là nơi dạy nghề gốm đầu tiên của Đông Dương, đã góp phần làm thay đổi về chất của gốm Biên Hòa. Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, gốm Biên Hòa là thương hiệu lớn với các sản phẩm gốm của Trường dạy nghề Biên Hòa tham dự triển lãm quốc tế tổ chức tại Paris năm 1925 đã từng vang danh trên “thị trường gốm” thế giới (Theo Tiến sĩ – Họa sĩ Đoàn Minh Ngọc – ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh).

Hầu như mỗi công đoạn đều được phụ trách bởi một nghệ nhân lâu năm trong nghề. Một thành phẩm gốm thủ công được tạo nên từ rất nhiều công đoạn như: tạo hình (bởi các phương pháp xoay gốm trên bàn xoay, điêu khắc, rót khuôn, nặn…), trang trí (vẽ, chạm khắc, đắp nổi, phủ men…), phơi khô, nung lò.
(Ảnh: Vườn Nhà Gốm)

GỐM VÀ NAY

Cách mạng công nghiệp bùng nổ, thị trường xuất khẩu ngày càng được khuyến khích kéo theo sự phát triển của nghề gốm chuyển dịch từ hướng thủ công sang dây chuyền sản xuất. Cộng hưởng với sự thu hẹp đất đai gây nên thiếu hụt nguyên liệu đất sét sản xuất, giao thương cản trở (thay vì đi lại bằng đường thuỷ dễ dàng như trước) và quan trọng hơn cả là bài toán kinh tế, nhiều làng nghề, gia đình đã từ bỏ nghề thủ công truyền thống hoặc chuyển vào làm cho các nhà máy sản xuất gốm sứ công nghiệp.

Dòng thời gian trôi, tuy dài mà ngắn, mới đó, rồi mất đó. Khó khăn là thế, ấy vậy mà vẫn có những con người lội ngược dòng, vững chãi trước những chông gai, thử thách của thời đại để bám trụ với nghề. Ở Vườn Nhà Gốm (Lái Thiêu, Bình Dương) có một xưởng gốm thủ công với những con người như thế. Tại Xưởng Thủ Biên trực thuộc Vườn, những nghệ nhân nghề gốm thủ công với thâm niên kinh nghiệm có khi ngót nghét 20 năm, vẫn cần mẫn, thầm lặng nuôi dưỡng tình yêu với đất, dùng những kỹ thuật tạo hình và trang trí của gốm thủ công được truyền lại tự bao đời để tạo ra những sản phẩm của hôm nay. Mỗi người mỗi công đoạn sản xuất, họ tự hiểu rằng dẫu đi hết cuộc đời cũng dễ dầu gì đi hết cái nghề gốm thủ công này. Hơn ai hết họ hiểu rất rõ chỉ có đoàn kết, cùng một lòng giữ trọn vẹn nghề mới mong có ngày viết tiếp được câu chuyện gốm cho thế hệ mai sau.

Vì sao lại nói đi hết đời cũng chẳng thể đi hết nghề gốm thủ công nói chung và nghề gốm thủ công Nam Bộ nói riêng? Một thành phẩm gốm thủ công được tạo nên từ rất nhiều công đoạn như: tạo hình (bởi các phương pháp xoay gốm trên bàn xoay, điêu khắc, rót khuôn, nặn…), trang trí (vẽ, chạm khắc, đắp nổi, phủ men…), phơi khô, nung lò. Hầu như mỗi công đoạn đều được phụ trách bởi một nghệ nhân lâu năm trong nghề. Thế nên khi nói một ai đó dành cả đời cho nghề gốm thủ công, thì đa phần là người ấy đang dành cả đời cho một công đoạn mà mình điêu luyện nhất để tạo nên sản phẩm.

Nói thế để thấy tâm huyết của người sáng lập cũng như từng cá nhân tại Vườn Nhà Gốm nói chung và Xưởng Thủ Biên nói riêng là vô cùng đáng trân trọng. Mỗi sản phẩm gốm thủ công làm ra không chỉ có tính nghệ thuật cao, mà còn là giá trị của sự kết tinh hài hoà từ nhiều bàn tay nghệ nhân. Việc khéo léo vận hành và quản trị con người mang đến sự phối hợp nhuần nhuyễn để tạo nên những sản phẩm độc bản, góp phần duy trì nghề gốm thủ công Nam Bộ, lưu giữ văn hóa đến thế hệ mai sau. Đó chính là thành công của Vườn Nhà Gốm. Đây có lẽ là xưởng sản xuất gốm Nam Bộ thủ công duy nhất còn sót lại tại địa bàn Lái Thiêu với quy trình đầy đủ và tiệm cận nhất với nghề gốm khi xưa.

Đau đáu về việc tìm hướng đi và phát triển thêm một tầng cao mới cho đề tài trên gốm thủ công Nam Bộ, bên cạnh việc lưu giữ những nét văn hóa vốn có, các nghệ nhân tại Xưởng gốm Thủ Biên đã ngày đêm tìm hiểu và cho ra đời các sản phẩm gốm sáng tạo, độc đáo. Bên cạnh những sản phẩm độc bản mang tính nghệ thuật cao, còn có các tác phẩm gốm thủ công thể hiện đậm nét văn hóa tâm linh vùng miền mà không nơi đâu có được như: Bộ bình gốm vuốt tay sáng tác theo chủ đề “Đám Rước” Lễ Thượng Nguyên cùng hình ảnh chùa Bà (Thiên Hậu), tượng Phật khắc áo hoa, tượng Phật A Di Đà, tượng Phật Thích Ca. Gốm thủ công không chỉ đơn thuần là sản phẩm sưu tầm hay trang trí mà đã trở thành phương tiện “kể chuyện” cho người thưởng thức, khắc ghi mãi trên thân những giá trị văn hóa tâm linh.

Quá trình tạo tác tượng Phật nói chung hay tượng Phật Thích Ca nói riêng được nghệ nhân điêu khắc – anh Hùng tại Xưởng Thủ Biên chia sẻ là cả một quá trình cân – đong – đo – đếm về thẩm mỹ và kỹ thuật để có được sản phẩm mang tính nghệ thuật cao đến người thưởng thức. Từ một khối đất sét vô tri vô giác, được bàn tay tài hoa của nghệ nhân điêu khắc gọt, nặn, khắc, chạm từng đường nét, trải qua gần 30 ngày hoàn thiện cùng hàng giờ liền liên tục chịu đựng với sức nóng từ 1.130 đến 1.140 độ của lửa đỏ đã trở thành những tác phẩm gốm thủ công lưu dấu ấn sâu sắc. Ở đây không có chỗ cho sự tính toán chi li từng centimet của các chương trình vẽ máy tính, mà tính quyết định hoàn toàn ở nằm ở sự tinh tế của con mắt người làm nghề. Mỗi nét mặt, khuôn mày, dáng ngồi, tà áo của tượng được khắc họa chi li bởi bàn tay và cả tấm lòng của người tạo tác. Và qua từng công đoạn, mỗi tượng ở xưởng lại được khoác thêm một lớp áo hoàn hảo của tay nghề, cũng như thêm một tấm lòng của những người tham gia sản xuất. Có lẽ vì thế mà cái hồn của gốm thủ công luôn trường tồn trước bao biến động của thời cuộc.

Dù dòng chảy thời gian có cuồng quay hay nhịp sống mỗi ngày mỗi hối hả, gốm thủ công của Vườn Nhà Gốm vẫn trầm lắng, rực rỡ nhưng không hề phô trương, nhẹ nhàng len lỏi vào đời sống tâm hồn của nhiều người yêu nghệ thuật nói chung và yêu gốm nói riêng, tưới mát cho những gì đã quá cằn cỗi. Ví như tượng Phật Thích Ca mới được ra mắt của Vườn Nhà Gốm đang mang trên mình một sự bình yên tuyệt diệu. Có lẽ sự bình yên đó đến từ tấm lòng, tâm hồn của những con người tạo tác nên, rồi lan tỏa đến người nhìn. Có thể bạn chưa phải là Phật tử thuần thành, hay người quá mến mộ đạo Phật, nhưng khi ngắm nhìn bức tượng, biết đâu một mối nhân duyên nào đó được khởi lên, chủng tử thiện vì thế có nơi đâm chồi.

Thay lời kết

Như Đấng Thế Tôn đã dạy trong kinh Phước Đức: “Có học, có nghề hay… là phước đức lớn nhất”. Và có chăng từ những bước đi đầu này, văn hóa tâm linh trên gốm thủ công Nam Bộ không còn là những câu chuyện đã lưu dấu và đã được kể, mà còn là những câu chuyện sẽ được kể. Để rồi mai sau, người ta sẽ nhớ đến một nơi với những con người dù không còn ở thời kỳ đỉnh cao của gốm thủ công truyền thống, nhưng vẫn giữ một tình yêu đẹp đẽ nhất với gốm để lưu dấu văn hóa của ngày hôm nay lên từng tác phẩm nghệ thuật của mình. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi: Liệu rằng thế hệ mai sau – những người con, người cháu của ta sẽ nhớ đến văn hóa của thế hệ hôm nay như thế nào? Sẽ có nhiều cách thức khác nhau để tìm hiểu về một thời kỳ đã qua và gốm thủ công sẽ là một trong những phương thức ấy. Và đến một lúc nào đó của thì tương lai, gốm sẽ thay ta kể những câu chuyện cần được kể.

Chú thích:

[1] ttps://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/4818/dje-tai-phat-giao-tren-djo-gom-co-viet-nam.html.

[2] http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/69624/xom-lo-gom-sai-gon-xua.html.

[3] http://www.covatvietnam.info/co-vat-chat-lieu-gom/tim-hieu-ve-gom-cay-mai/.

[4] https://www.ktds.vn/gom-lai-thieu-.

← Bài trước Bài sau →