QĐND - Gốm Biên Hoà đứng vững trên thị trường sân nhà

QĐND - Gốm Biên Hoà đứng vững trên thị trường sân nhà

“Đồng Nai có gốm Biên Hòa/ Đẹp, bền, duyên dáng ai mà lãng quên”. Câu ca dao mộc mạc như chứa đựng tất cả nét tinh hoa dòng gốm ở miền Đông Nam Bộ đã có tuổi đời hơn 300 năm. Trải qua bao thăng trầm, có lúc thoái trào, nhưng với nhiều tìm tòi, sáng tạo thì dòng gốm này đang vươn lên chinh phục thị trường một cách mạnh mẽ.

Hơn 300 năm lừng danh

Khi Chúa Nguyễn bắt đầu mở cõi về phương Nam vào cuối thế kỷ 17, cùng thời gian này, hàng ngàn người dân tộc Hoa không theo nhà Thanh qua nhập cư sinh sống, dần hình thành nên các vùng dân cư trù phú mà nổi danh nhất là Cù Lao Phố (nay thuộc địa phận TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Kể từ đó đến nửa cuối thế kỷ 19, nghề gốm ở Đồng Nai chủ yếu chế tác theo kỹ nghệ của người Hoa, mà nổi tiếng nhất phải kể đến gốm Cây Mai. Trải qua nhiều biến cố lịch sử thì đến cuối thế kỷ 19, các thợ gốm Cây Mai đã dần dịch chuyển cơ sở sản xuất về Sài Gòn-Chợ Lớn.

Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp thực hiện chính sách phát triển thuộc địa, mở các trường học và cả trường dạy nghề. Trường Dạy nghề Biên Hòa (hiện là Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) thành lập năm 1903, với mục đích đào tạo thợ thủ công và khôi phục lại một số nghề truyền thống như đan lát, vẽ tranh, điêu khắc, khảm trai... Một bước ngoặt mang tính quyết định hình thành nên thương hiệu gốm Biên Hòa, đó là vào năm 1923, khi vợ chồng ông Robert Balick (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật trang trí Paris) làm hiệu trưởng và bà Mariette Balick (tốt nghiệp Trường Gốm Limoges) làm phụ tá thì nhà trường chuyển sang chủ yếu là đào tạo và dạy nghề làm gốm.

Giai đoạn 1923-1929, ông bà Balick liên tục tìm tòi nghiên cứu các công thức làm men và tạo hình sản phẩm gốm bằng sự phối hợp từ nhiều dòng gốm khác nhau như gốm của người Chăm, người Hoa, gốm vùng Nam Trung Bộ và cả những công thức tự sáng tạo từ nguồn nguyên vật liệu bản địa. Hợp đồng đặt hàng ngày càng nhiều khiến trường phải xây dựng các lò gốm. Sản phẩm gốm của nhà trường bắt đầu tạo dựng được tiếng tăm cả trong và ngoài nước, được Chính phủ Pháp tặng huy chương khi tham dự Hội chợ quốc tế Paris năm 1925.

Năm 1933, trường thành lập Tổ hợp sản xuất mỹ nghệ Biên Hòa với hai ngành nghề chủ yếu là làm gốm và đúc đồng. Giai đoạn 1955-1963, trường có mời một số chuyên gia cố vấn nghề gốm người ngoại quốc về giảng dạy trợ giúp, đồng thời cũng cử một số thầy giáo đi tu nghiệp ở nước ngoài. Từ giữa những năm 1960, gốm Biên Hòa về cơ bản đã định hình được tên tuổi trên thị trường với những đặc điểm tạo hình, nét hoa văn và chất men rất đặc trưng.

Trong giai đoạn đầu thực hiện công cuộc đổi mới, gốm Biên Hòa vẫn luôn giữ được nhịp độ sản xuất khá ổn định. Trước đó, gốm Biên Hòa phát triển mạnh mẽ vào thời kì bao cấp khi là một trong những dòng sản phẩm gốm xuất khẩu hàng đầu giúp nhân dân ta vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tập trung đẩy mạnh sản xuất gốm Biên Hòa

Từ đầu những năm 2000 đến 2015, do sự tấn công thị trường ào ạt từ gốm sứ nước ngoài, hầu hết nhịp độ sản xuất của các dòng gốm Việt, trong đó có gốm Biên Hòa, đều bị suy giảm. Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, năm 2000, gốm mỹ nghệ Biên Hòa có hơn 300 cơ sở làm nghề thì gần đây chỉ còn chưa đầy 40 cơ sở với doanh thu khá khiêm tốn.

Năm 2003, tỉnh Đồng Nai đưa ra quy hoạch di dời các cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn TP Biên Hòa vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ở ngoại ô thành phố, nhằm giảm thiểu ô nhiễm đô thị, thúc đẩy sản xuất và chuyên môn hóa mạnh mẽ hơn. Với sự phục hồi khá mạnh của nhu cầu thị trường gốm sứ cả trong và ngoài nước những năm gần đây thì tin rằng, các doanh nghiệp gốm Biên Hòa sẽ sớm ổn định và đẩy mạnh đầu tư sản xuất trong thời gian tới. Một điều rất thú vị là dòng gốm Biên Hòa không chỉ được sản xuất tại TP Biên Hòa mà còn có các cơ sở sản xuất ở những địa bàn huyện khác của tỉnh Đồng Nai như huyện Long Thành, huyện Trảng Bom... rồi lan ra cả một số vùng lân cận như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh...

Vườn Nhà Gốm-một doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh tại xứ gốm Lái Thiêu (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) và có thêm hệ thống tiêu thụ sản phẩm tại TP Hồ Chí Minh-luôn rất quan tâm phát triển gốm Biên Hòa, khi doanh số từ dòng sản phẩm gốm này thường chiếm trung bình khoảng 40% tổng doanh thu. Dù chỉ mới thành lập vài năm nhưng hiện trang Facebook Vườn Nhà Gốm đã có hơn 110.000 lượt theo dõi, liên tục cập nhật các sản phẩm gốm Biên Hòa mới, mở cửa cho mọi người vào tham quan cũng như tuyển sinh những lớp đào tạo thợ gốm hệ ngắn hạn và dài hạn.

Gốm Biên Hòa đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa khi sản phẩm xuất bán về các khu vực miền Trung và miền Bắc đang ngày càng tăng mạnh. Ngoài định hướng tập trung phát triển nghề gốm của tỉnh Đồng Nai thì công tác dạy nghề thiết nghĩ cũng cần phải được coi trọng khi các thế hệ thợ gốm trẻ kế tiếp đang ngày càng thiếu. Công nghệ máy móc, thiết bị và chất lượng nguồn nhân lực chính là hai nhân tố chủ chốt để gốm Biên Hòa dần lấy lại vị thế của dòng gốm từng đứng đầu cả nước về xuất khẩu cũng như chinh phục mạnh mẽ hơn, dần lan tỏa ra các thị trường trên khắp Việt Nam.

Nhà sưu tập gốm sứ NGUYỄN ĐƯƠNG

Báo Quân Đội Nhân Dân - nguồn: 

https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/gom-bien-hoa-dung-vung-tren-thi-truong-san-nha-708545

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
← Bài trước Bài sau →