Rằm tháng Giêng xuôi về Bình Dương tham gia rước Cộ Bà Thiên Hậu!

Rằm tháng Giêng xuôi về Bình Dương tham gia rước Cộ Bà Thiên Hậu!

Hằng năm ở Bình Dương, khi dư âm của những ngày Tết Nguyên Đán vẫn còn, thì một không khí nhộn nhịp, bận rộn, vui tươi chuẩn bị cho một mùa lễ hội bắt đầu. Ngay từ những ngày đầu tháng Giêng, du khách ở các tỉnh xa tập trung về Miếu bà Thiên hậu để vía Bà.

Hình ảnh dòng người hòa vào lễ hội rước kiệu Bà

Lễ hội là một nét tín ngưỡng dân gian quan trọng của đồng bào người Việt gốc Hoa thu hút nhiều sự quan tâm của du khách từ địa phương khác đến Bình Dương hành hương viếng Thiên Hậu Thánh Mẫu và cùng tham gia rước kiệu Bà.

Kiệu Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu

 

 

Lễ hội mở đúng vào ngày Rằm tháng Giêng nhưng ngay từ những ngày đầu năm mới, trên đường phố đã tấp nập. Du khách từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh gần xa nườm nượp đến viếng miếu Bà. Đến khoảng ngày 13, 14 tháng Giêng là thời cao điểm của lễ hội, hàng chục ngàn người di chuyển về miếu Bà để tham dự Lễ hội. Hàng chục đoàn múa Lân, Sư, Rồng, Hẫu rộn ràng trong tiếng trống, tiếng phèng la, làm cho không khí trước ngày hội trở nên tưng bừng, náo nhiệt.

Lễ hội được diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc như: Phong tục đi chùa ngày Tết, Lễ cúng vía Bà, lễ rước cộ Bà… đã trở thành địa điểm du Xuân đặc sắc tại Bình Dương.

Người dân chạm tay vào lộc Bà cầu mong cho một năm mới nhiều bình an

 

 

 

Biểu diễn múa Lân, Sư, Rồng

Lễ rước cộ Bà diễn ra lúc đầu giờ chiều ngày 15 (rằm tháng giêng), nghi thức rước cộ Bà uy nghi bắt đầu cuộc diễu hành qua các tuyến đường quanh khu vực trung tâm. Đi đầu trong đoàn rước cộ Bà là 4 con Hẩu “mở đường của Bang Phúc Kiến” với khoảng 60 thanh niên theo sau, mặc đồng phục, mang cờ hiệu, các đoàn lân, sư, rồng biểu diễn xen kẻ các đội gánh cờ, gánh hoa, biểu diễn âm nhạc, phía sau cộ Bà là những người trong ban quý tế, lễ phục uy nghiêm, có đoàn lân theo phía sau hộ vệ.

Theo truyền thuyết, Bà có tên là Lâm Mỵ Châu, con của một nư phủ quê huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, sinh vào thời nhà Tống ở Trung Quốc. Bà vốn có tánh linh truyền rằng: Một hôm, đang ngồi trên khung cửi dệt vải, Lâm Mỵ Châu bỗng dừng tay thoi, rồi bảo với mẹ rằng cha và anh của nàng đang gặp nạn ngoài biển khơi. Nghe con nói bà bàng hoàng nhưng vẫn chưa tin. Mấy ngày sau, hai người con trai mình trần, tay trắng sống sót trở về, còn người cha thì bặt vô âm tín. Từ đó, Lâm Mỵ Châu dần nổi tiếng có tài tiên đoán về thời tiết, gió bão trên biển khơi nên đã giúp cho ngư dân thoát được nhiều cơ nguy, hiểm nghèo. Do mệnh yểu Bà từ giã cõi trần năm ngoài 20 tuổi, sau đó trở thành hiển linh. Truyền thuyết dân gian kể rằng: Bà thường khoác bộ y phục màu nâu, bay lượn trên biển để cứu những đoàn thuyền bè lâm nạn trên biển. Do công đức ấy mà về sau, Bà được vua Khang Hy đời nhà Thanh phong chức Thiên Hậu Thánh Mẫu và được nhân dân vùng ven biển Phúc Kiến (Trung Quốc) tôn thờ như bậc hiển thánh.

Những người Hoa di cư sang Việt Nam vào những thế kỷ trước, tuyệt đại đa số đều đi bằng thuyền, và trong hành trình nhiều ngày trên biển, họ thường khấn vái Bà Thiên Hậu, mong được Bà phù hộ cho “Đi đến nơi, về đến chốn”. Trong quá trình định cư trên vùng đất mới, những người Hoa thuộc các bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ làm ăn ngày một phát đạt, đời sống ổn định. Nhớ đến công ơn của Bà, họ đã lập đền để thờ Bà. Theo tập quán, hàng năm lễ cúng vía Bà vào ngày 25 tháng 3, nhưng lễ hội có quy mô lớn, có đám rước linh đình nhất ở Bình Dương lại diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng với hàng chục ngàn người về tham dự lễ hội. Đây là lễ hội có sự tham dự đông đúc của du khách đến từ các tỉnh, thành phố lân cận. Lễ vật cúng Bà trong ngày lễ hội thường là heo quay nguyên con, gà, vịt, xôi, bánh và hoa quả. ….Du khách tham dự lễ hội còn được thưởng thức nhiều tiết mục biểu diễn của các đoàn múa Lân, Sư, Rồng, Hẩu…góp phần tạo nên không khí đặc trưng của lễ hội rước kiệu Bà ở Bình Dương.

Nguồn: Thông tin điện tử Sở VHTT&DL Bình Dương.

Bài sau →