Gốm và Đời sống | Câu chuyện tản mạn về Bát chiết Yêu - Tác giả: Nguyễn Quỳnh

Gốm và Đời sống | Câu chuyện tản mạn về Bát chiết Yêu - Tác giả: Nguyễn Quỳnh

Trong các loại bát (chén) ngày xưa, có một loại có tên là bát Chiết yêu. Miền Bắc, có nơi còn gọi là bát tàu để phân biệt với bát thứ là bát nhỏ dùng để cơm, bát ô tô hay bát tô là loại bát to nhất. 

Đặc điểm của bát Chiết Yêu là: Đáy nhỏ, miệng to, giữa thân thu lại. 

Trong chữ Nho: Chữ Chiết có nghĩa là bẻ, gãy; Yêu có nghĩa là eo. Chiết Yêu hợp lại có nghĩa là bị gãy ở phần eo, hay eo bị thu lại đột ngột. Như vậy, tên gọi Chiết Yêu của loại bát này có liên quan đến đặc điểm hình thức của nó hay nói cách khác: người xưa đã dựa vào đặc điểm bên ngoài của bát để đặt cho nó một tên gọi bằng hai chữ Nho có ý nghĩa tương đồng. 

Một câu hỏi đặt ra là: tại sao người xưa lại làm ra loại bát này? Hiện nay, có mấy cách giải thích mà tôi thấy đều hợp lý. 

Một là, người xưa thích mâm cao cỗ đầy, trong khi kinh tế lại khó khăn. Để giải quyết được vấn đề này, người xưa đã tạo ra kiểu bát này. Vì kiểu bát này đựng được ít nhưng miệng lại loe to, làm người ta có cảm giác đồ ăn, thức uống trong bát nhiều. 

Hai là, hình dáng của bát dưới nhỏ trên to sẽ giúp cho phần trên thức ăn nhanh nguội nhưng phần dưới vẫn giữ được độ nóng do vậy sẽ phù hợp để đựng các loại thức ăn, như cháo, bún, phở, miến... 

Thứ ba, người xưa quan niệm: Quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Trong ăn uống, tiếp khách, đồ ăn cốt ngon và đẹp chứ không cần nhiều. Chính vì vậy người xưa đã tạo ra kiểu bát này. Vì kiểu bát này dù đựng được ít thức ăn nhưng kiểu dáng lại rất sang trọng. Ví như món Bún thang được coi là nhất phẩm của người Hà Nội phải đựng trong bát Chiết yêu thì mới khoe được hết vẻ đẹp của từng loại "đạm và rau thơm". Hay như mâm cỗ Tết của người Hà Nội xưa thiếu gì thì thiếu cũng không được thiếu 4 món: măng, miến, bóng, xương tinh mà 4 món này cũng phải để trong bát Chiết yêu thì mới được gọi là "4 yêu" của người Hà Nội. 

Nói tóm lại, theo người xưa, kiểu bát này có nhiều công dụng và ý nghĩa nhưng hình như chưa ai nói đến cái nghĩa Hợp Điền cả. Hợp điền hiểu đơn giản có nghĩa là: mọi khoanh ruộng đều có thể chứa trong cái bát này. Vậy cái bát này là cái bát nào? Xin thưa: nó vẫn là 1 cái bát Chiết yêu. Không tin mời quý bạn đọc dòng chữ viết ở dưới sát trôn cái bát trong hình. 

Tác giả: Nguyễn Quỳnh, Thủ Dầu Một, ngày 12/11/2021. Viết tại THCSSKSSBD

___

Hình ảnh một số mẫu Bát Chiết Yêu do Vườn Nhà Gốm thực hiện thủ công với các họa tiết dân gian Nam bộ

___
Vườn Nhà Gốm | Một nơi có gốm
🏡 Lái Thiêu: 120 Gia Long, Lái Thiêu, Bình Dương
🏡 Sài Gòn: 629 Phạm Văn Đồng, P.Hiệp Bình Chánh, Tp.Thủ Đức
☎️: 0274 246 1274 | 0961 715 988 (Zalo Official)
|Website: www.vuonnhagom.vn

← Bài trước Bài sau →