Tin | Nông Thôn Việt - Vườn Nhà Gốm và hồn gốm Nam bộ xưa

Tin | Nông Thôn Việt - Vườn Nhà Gốm và hồn gốm Nam bộ xưa

(Nông Thôn Việt) - Tôi có cô bạn tên Ánh, làm việc tại văn phòng của một cơ sở sản xuất gốm Bình Dương. Mỗi lần gặp nhau, Ánh thường hay kể cho tôi nghe về Vườn Nhà Gốm - nơi Ánh làm việc. Cách cô bạn say sưa kể về gốm, về "anh chủ", về những đồng nghiệp nơi đây khiến tôi không khỏi tò mò. Tôi quyết định ghé Vườn Nhà Gốm, để xem ở đó có gì mà cô bạn tôi mê say đến vậy.

Với anh Minh, nơi đây không chỉ tìm và lưu giữ những giá trị của nghề gốm thủ công mà còn là nơi chứa đựng những ký ức về một thời xa xưa. Tại Vườn Nhà Gốm, người ta có thể bắt gặp cái cảm giác như được trở về tuổi thơ với những chiếc chén, bát, dĩa hảo, ống đũa, bình hoa, đôn kê… mộc mạc, dân dã. Vườn Nhà Gốm hiện hữu cũng chính là mong muốn lưu lại những gì thân thương nhất thuộc về mảnh đất này, sau là để tiếp nối những điều tốt đẹp mà bao thế hệ đã dày công xây dựng. “Dù Vườn Nhà Gốm chỉ mới ra đời được 4 năm nhưng ở Nam bộ hiếm có lò nào tập hợp được nhiều dòng gốm như ở đây”. - Anh Minh tự hào.

Các sản phẩm gốm thủ công tại Vườn Nhà Gốm.
Các sản phẩm gốm thủ công tại Vườn Nhà Gốm.

Vườn Nhà Gốm

Từ TP.HCM, chạy thẳng Quốc lộ 13 đến chợ Lái Thiêu rồi rẽ đường Gia Long dọc theo bờ sông, tôi bắt gặp Vườn Nhà Gốm với cánh cửa mở rộng, hàng rào kẽm phủ cây leo xanh rờn. Trước cổng, những chiếc lu, bình gốm được xếp ngay ngắn. Một khung cảnh bình dị nằm đối diện dòng sông nhỏ và những chành ghe khiến tôi nhớ đến hình ảnh “trên bến dưới thuyền”, thật thơ mộng làm sao.

Bước vào trong, tôi không khỏi choáng ngợp trước cả một khu vườn đầy gốm. Gốm được trưng bày khắp nơi, đan xen những chậu cây, hoa lớn, bé khác nhau. Ánh dẫn tôi đi tham quan một vòng các khu trưng bày gốm và bắt đầu câu chuyện đưa tôi về với lịch sử của gốm Nam bộ.

Tại nơi được biết đến là vùng đất mới với đặc trưng thoáng mở và năng động này, theo chân những người mở cõi, lập ấp, các loại hình mưu sinh, buôn bán dần phát triển, các làng gốm cũng được hình thành. Tiêu biểu nhất là gốm Cây Mai, chính xác là khu vực Lò Gốm ở quận 6, quận 11, quận 8 ngày nay. Khi quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các lò gốm không còn phù hợp để tiếp tục sản xuất và hoạt động trong nội ô thành phố, nên chuyển dần đến các khu vực lân cận dọc theo tuyến đường thủy. Theo sông Sài Gòn là gặp Lái Thiêu - Bình Dương, theo sông Đồng Nai thì gặp Biên Hòa - Đồng Nai. Chính sự thuận lợi trong quá trình giao thương và nguồn nguyên liệu phong phú đã góp phần cho làng nghề gốm phát triển đến hiện tại.

“Vậy ở đây chỉ có gốm Lái Thiêu hay còn có những loại gốm khác nữa”? - Tôi hỏi Ánh.

“Có nhiều loại lắm”! - Ánh nói.

“Thế thì làm thế nào để phân biệt”?

Ánh không vội trả lời mà tiến đến một góc kệ trưng những chiếc ống đũa nhìn khá đơn giản với họa tiết trang trí vẽ hình con gà: “Mỗi dòng gốm ở Nam bộ sẽ có những nét đặc trưng riêng, đơn giản nhất để phân biệt là nhìn hình thức trang trí bên ngoài. Gốm Lái Thiêu chủ yếu là các sản phẩm gia dụng với cách trang trí phổ biến là vẽ, ví dụ như chiếc ống đũa này.

Trong khi tôi ngắm nghía chiếc ống đũa có vẽ hình con gà, Ánh giải thích tiếp: “Trong tiếng Hán, gà trống là đại kê, phát âm rất giống đại cát. Vẽ hình gà là thể hiện ước mong những điều tốt đẹp, may mắn”. Hóa ra, tuy chỉ là vẽ lại những hình ảnh thân thuộc hằng ngày, nhưng những hình ảnh này lại chứa đựng những tâm tư tình cảm cũng như ước mơ về sự an vui, hạnh phúc của con người trong cuộc sống.

Nếu các sản phẩm vẽ là thế mạnh của gốm Lái Thiêu - Bình Dương, thì lối trang trí khắc lại là đặc trưng của gốm Biên Hòa - Đồng Nai mà nổi bật là hình ảnh bách hoa và dây lá nhiều màu sắc. Trong khi đó, một trong những nét độc đáo của gốm Cây Mai là kỹ thuật đắp nổi, tức là nắn đất thành hình rồi “dán” lên sản phẩm gốm, tạo nên các hình khối hoa lá, chim muông.

Thế là sau một vòng tham quan, tôi đã có thể phân biệt được một số dòng gốm cơ bản. Sự đa dạng của các sản phẩm ở Vườn Nhà Gốm khiến tôi chợt nghĩ: “Nơi đây giống như một bảo tàng gốm Nam bộ vậy”. Và cái bảo tàng này càng thêm phần thu hút khi tôi được Ánh dẫn vào xưởng sản xuất.

Tại đây, tất cả các công đoạn để làm ra một sản phẩm gốm hoàn thiện đều được làm bằng tay, từ khâu làm đất, vuốt gốm, tạo dáng, trang trí… Xưởng có chưa đầy 10 người, mỗi người đảm nhiệm một công việc khác nhau, ai nấy cũng tập trung chăm chút cho sản phẩm trên tay mình. Dừng lại trước một chiếc bàn có đặt những hộp chứa các loại bột đủ màu sắc, Ánh nói: “Đây là men màu. Ngoài cách dùng các loài màu đặc trưng để vẽ lên gốm thì còn có một cách khác rất phổ biến ở gốm Nam bộ là dùng men màu để tô trực tiếp”.

Công đoạn vuốt gốm trên bàn xoay.
Công đoạn vuốt gốm trên bàn xoay.

Theo như Ánh giới thiệu thì có rất nhiều loại men khác nhau, không chỉ tạo màu sắc độc đáo, mỗi loại men còn tạo nên những lớp áo đặc trưng cho gốm, có lớp áo bóng láng, có lớp áo phủ ngà, có lớp áo lại xù xì lạ mắt. Chỉ vào một chiếc bình có màu xanh với những đốm trắng li ti, Ánh nói: “Đây là men xanh đồng trổ bông, những đốm màu này không phải vẽ lên đâu, là men “trổ bông” trong quá trình nung đấy”! Điểm đặc biệt là tất cả những loại men này đều do chính các anh chị tại xưởng tìm tòi công thức và điều chế ra, với mục đích tái hiện những điểm đặc trưng của các loại men truyền thống.

Thật may mắn là tôi đến đúng lúc một mẻ gốm mới được ra lò. Khi những sản phẩm được lấy ra, các anh chị trong xưởng ngừng tay, vây quanh thành phẩm để ngắm nghía và đưa ra những lời bình luận, không khác gì cảnh tượng mọi người trong cùng một gia đình hào hứng chào đón một đứa trẻ mới ra đời. Lúc này, anh Minh - “anh chủ” mà Ánh vẫn hay nhắc đến - cũng bước vào xưởng và cùng nhìn ngắm những thành phẩm còn đang nóng hổi. Mọi người bàn luận rôm rả, “nhìn chiếc này duyên quá”, “cái này vừa mắt rồi”, “cái này chưa được ưng lắm, vẫn thiếu thiếu chút gì đó”. Cứ thế, mỗi thành phẩm được nhận xét và đưa ra những giải pháp để hoàn thiện hơn.

Các sản phẩm gốm sau khi nung.
Các sản phẩm gốm sau khi nung.

 

Thích thú ngắm nhìn sản phẩm gốm mới ra lò.
Thích thú ngắm nhìn sản phẩm gốm mới ra lò.

Và người nhà gốm

Rời khỏi xưởng gốm, tôi lại một lần nữa may mắn khi trong ngày cuối năm bận rộn nhưng anh Minh vẫn dành thời gian để trò chuyện cùng tôi. Đem ngay thắc mắc về ý tưởng ra đời của Vườn Nhà Gốm hỏi anh Minh, tôi được anh kể: “Anh rất thích gốm, nên khi nhìn thấy nghề gốm thủ công bị mai một dần, anh nghĩ là mình phải làm gì đó”. Theo anh Minh, những năm gần đây, gốm Việt Nam rất được chú trọng để xuất khẩu nên xu hướng chuyển sang sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ với lối sản xuất hàng loạt, khuôn mẫu. Chính vì vậy mà hàm lượng văn hóa trong sản phẩm cũng không còn nữa, những người thợ có tay nghề cũng thiếu đất để “dụng võ”. Từ đó, anh đã dồn tâm huyết xây dựng Vườn Nhà Gốm để tạo điều kiện cho các nghệ nhân tìm về với nghề gốm thủ công của vùng đất Nam bộ này.

Một trong những điều mà anh tâm đắc nhất là sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại. Theo anh, để phát triển bền vững thì phải biết làm mới những giá trị cũ, điều này cần có sự tham gia của các bạn trẻ giàu sức sáng tạo.

“Làm nghề này nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm, tư duy sản xuất cũ thì chưa đủ. Làm nghệ thuật là không được phép có định kiến, phải biết chấp nhận những cái mới”. - Anh Minh chia sẻ. May mắn là anh đã tìm được những người đồng hành có cùng niềm đam mê, có cùng chí hướng. Hiện nay, Vườn Nhà Gốm tập hợp được đầy đủ những người có kinh nghiệm lâu năm và cả những bạn trẻ có kiến thức chuyên ngành về gốm. Quan trọng hơn hết là tất cả đều yêu gốm.

Nhận thấy điểm yếu của nghề làm gốm truyền thống là mô hình sản xuất, kinh doanh còn mang “tập tính nông thôn”, anh Minh đã phát triển Vườn Nhà Gốm với một mô hình quản trị của doanh nghiệp. “Ở đây, mọi người rất thân thiết với nhau, xem nhau như gia đình. Nhưng cách làm việc thì không được giống như gia đình mà cần phải rõ ràng và minh bạch”.

Hiện nay, Vườn Nhà Gốm tập hợp được đầy đủ những người có kinh nghiệm lâu năm và cả những bạn trẻ có kiến thức chuyên ngành về gốm.
Hiện nay, Vườn Nhà Gốm tập hợp được đầy đủ những người có kinh nghiệm lâu năm và cả những bạn trẻ có kiến thức chuyên ngành về gốm.

Với mong muốn đưa gốm thủ công Nam bộ đến gần với nhiều người hơn, hàng tuần, Vườn Nhà Gốm đều tổ chức các buổi workshop để mọi người có cơ hội trải nghiệm các công đoạn làm ra một sản phẩm gốm như nặn gốm, vẽ gốm… Những người tham gia workshop thường là các nhóm bạn trẻ hay gia đình có trẻ nhỏ. “Thế mới thấy là hiện nay người trẻ vẫn rất quan tâm đến các giá trị truyền thống, vấn đề là phải tạo môi trường, tạo sân chơi cho họ”. - Anh Minh chia sẻ.

Cũng chính vì vậy mà “anh chủ” đang ấp ủ dự định sắp tới sẽ tổ chức các buổi workshop lưu động tại nhiều nơi khác nhau như các điểm vui chơi văn hóa, trường học ở TP.HCM, tiến tới là các tỉnh, thành khác. Những buổi workshop này không đơn giản là chỉ để mọi người chơi với gốm, mà còn hướng đến việc dạy mọi người biết làm gốm và có thể làm ra những thành phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống hằng ngày.

“Nhưng vì sao anh lại chọn vùng đất Lái Thiêu, Bình Dương”? Anh Minh trả lời: “Xưa nay, Lái Thiêu được biết đến là trung tâm của gốm ở Nam bộ. Nói gốm Lái Thiêu không phải chỉ là gốm được sản xuất ở Lái Thiêu mà còn là gốm từ khắp nơi mang đến. Cứ như vậy, gốm Lái Thiêu đã trở thành một điểm nhấn của nghề gốm ở Nam bộ. Hơn nữa, cuộc sống ở Bình Dương hiền hòa lắm, chắc là vì có nghề làm gốm nên người Bình Dương cũng hiền như đất vậy”!...

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao cô bạn của tôi lại mê Vườn Nhà Gốm đến thế. Sức hút từ những điều thú vị và những giá trị văn hóa của gốm là không thể phủ nhận. Nhưng cũng phải kể đến chính niềm đam mê và những hoài bão của anh Minh đã truyền cảm hứng không ít cho những người làm việc tại đây.

THÙY DUNG

Nguồn: Tạp chí Nông Thôn Việt 

___

Vườn Nhà Gốm

Một nơi có gốm | 120 Gia Long, Lái Thiêu, Bình Dương

Website Fanpage | Instagram | Youtube | Tiktok 

Hoạt động truyền thông, liên hệ: 0968.324.288 (Ms Nguyệt Ánh)

Tags: Tintuc
← Bài trước Bài sau →