Chuyện gốm Nam Bộ | Gốm Việt thủ công - Bản đồ gốm theo chiều dài đất nước

Chuyện gốm Nam Bộ | Gốm Việt thủ công - Bản đồ gốm theo chiều dài đất nước

(TT) - “Gốm Việt Nam- một truyền thống riêng biệt”. Đó là những nhận xét của một số học giả nước ngoài khi nghiên cứu về gốm Việt Nam. Gốm Việt không chỉ có truyền thống lâu đời mà còn để lại cho đời và cho người những giá trị nghệ thuật không thể hòa lẫn được. Nghề gốm ở Việt Nam đã sớm ra đời và trải qua hàng nghìn năm thăng trầm, đến bây giờ vẫn đứng vững trong lòng những người yêu gốm trong và ngoài nước về chất liệu, tạo dáng và nghệ thuật trang trí. 

Ngàn năm văn hiến Bát Tràng. 

Miền Bắc xưa có một số trung tâm gốm cổ như Bát Tràng(Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang), Hương Canh (Vĩnh Phúc). Nhưng được gìn giữ và phát triển đến ngày nay phải kể đến làng nghề gốm Bát Tràng. Bằng vốn liếng kinh nghiệm nghề nghiệp, điều kiện tự nhiên thuận lợi, các thợ gốm đã đưa nghề gốm Bát Tràng phát triển lên đến đỉnh cao. Gốm Bát Tràng có sản phẩm đa dạng, phong phú. Với đôi bàn tay khéo léo các thợ gốm không chỉ tạo dáng uyển chuyển mà còn sử dụng cách thức trang trí rồng uốn khúc, hoa lá tinh tế, hoa văn khắc chìm mang các chủ đề sinh hoạt, văn hóa truyền thống đậm chất Bắc Bộ rất sinh động. Ngoài màu men trắng ngà thợ gốm Bát Tràng sử dụng bảng màu sắc rất linh hoạt với các lối vẽ dưới men, giữa men, trên men tạo nên hiệu ứng “huyền ảo” cho người thưởng thức. Từ việc tận dụng nguồn đất tự nhiên thích hợp, Bát Tràng đã nghiên cứu các loại men từ tro, đất phù sa, đá màu, gỉ đồng, gỉ sắt cũng như cải tiến kỹ thuật nung có hiệu quả tạo những thành tựu đậm chất riêng của gốm Bắc Bộ.

Nguồn: Ảnh sưu tầm

Gốm miền Trung song hành cùng du lịch

Miền Trung có những điều kiện địa lí, điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa mang đặc thù riêng biệt từ vùng đất Chăm pa xưa nên nghề gốm thủ công cũng mang dấu ấn của người Chăm. Sự giao hòa giữa hai dòng gốm Việt- Chăm xưa tạo dấu ấn về một loại gốm đặc biệt mang nét mộc mạc, giản dị, sần sùi thô ráp với màu men đơn giản mà cuốn hút của loại gốm làm từ đất sét nâu và đất sét vàng ở nơi đây. Dựa vào các hiện vật gốm được tìm thấy như Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Chămpa (Bình Định), Quảng Đức (Phú Yên), Bàu Trúc (Ninh Thuận) hay làng nghề gốm Thanh Hà (Hội An) trong bối cảnh phát triển của dòng gốm đất nung ở Trung Bộ; để từ đó đặt ra những thách thức khôi phục và phát triển nghề gốm nơi đây nhằm lưu giữ những giá trị nghề gốm truyền thống đã có từ lâu đời. Vừa khôi phục kỹ thuật chế tác đồng thời phát triển song hành với ngành du lịch để giới thiệu, quảng bá đến những người yêu gốm về những giá trị truyền thống, góp phần lưu giữ lại những gì đẹp đẽ và chân thật nhất của những sản phẩm đất nung.

Nguồn: Ảnh sưu tầm

Dấu ấn của gốm ở vùng đất mới

Gốm Nam Bộ “sinh sau đẻ muộn” trong quá trình khai phá vùng đất mới Nam Bộ (thế kỷ XVI cho đến ngày nay). Địa bàn phân bố của gốm Nam Bộ chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã và đang ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng người yêu gốm.

Gốm Nam Bộ rất đa dạng về sản phẩm, tạo hình và hoa văn trang trí. Đặc biệt ở đây người thợ gốm rất chú ý đến trang trí trên sản phẩm gốm. Đôi khi cùng một hình dáng nhưng sản phẩm lại được trang trí bằng nhiều bố cục, hoa văn, màu sắc khác nhau tạo nên những vẻ đẹp mới và sự hấp dẫn cho sản phẩm. Gốm Nam Bộ nổi lên với phong cách riêng biệt ở lối khắc chìm kết hợp chạm lọng của gốm Biên Hòa (Đồng Nai), vẽ oxit của gốm Lái Thiêu (Bình Dương), đắp nổi của gốm Cây Mai (Sài Gòn) và dần lan rộng ra các tỉnh Lâm Đồng, Tây Ninh...như một dấu ấn mạnh mẽ cho sự phát triển của một nghề thủ công truyền thống.Với chất liệu đất sét cao lanh ổn định cho phép sản xuất những sản phẩm có kích thước lớn, men màu đa dạng với dòng men lửa cao có màu trầm, quý và dòng men trung độ có màu sắc tươi sáng, rực rỡ hơn với các màu nóng như vàng, hồng, cam, đỏ để đến ngày nay sản phẩm gốm Nam Bộ được người tiêu dùng và giới sưu tầm, nghiên cứu đánh giá cao.

Nguồn: Ảnh sưu tầm

Vườn Nhà Gốm nằm ngay trung tâm gốm Lái Thiêu (Bình Dương) đã và đang duy trì và phát huy các kỹ thuật tạo hình và trang trí của gốm Nam Bộ từ lối đắp nổi, chạm khắc đến vẽ màu oxit. Dù là đề tài hay phong cách trang trí nào thì sản phẩm của Vườn đều gửi gắm những thông điệp tốt đẹp, giá trị văn hóa cũng như nhân văn đến cuộc sống. 

Kế thừa từ những thành tựu đạt được trong hàng nghìn năm thăng trầm của gốm Việt, đến ngày nay nghề gốm thủ công truyền thống vẫn được lưu giữ và phát triển toàn diện mang đậm nét dân gian và tính dân tộc. Trên bản đồ gốm Việt, có một Vườn Nhà Gốm đã và đang duy trì và phát huy những thế mạnh của dòng gốm Nam Bộ, từng ngày cố gắng đưa gốm thủ công đến đông đảo các bạn hữu yêu gốm trong và ngoài nước.

___

Vườn Nhà Gốm | Một nơi có gốm
🏡 120 Gia Long, Lái Thiêu, Bình Dương
☎️ 0274 246 1274 
👉 W: https://vuonnhagom.vn/ | Fanpage: www.facebook.com/vuonnhagom

← Bài trước Bài sau →
Contact Me on messenger