Chuyện gốm | Hoa văn trên gốm Nam Bộ

Chuyện gốm | Hoa văn trên gốm Nam Bộ

(TT) - Đến với gốm Nam Bộ, không ít lần bắt gặp những đường nét hoa văn quen thuộc là hoa sen, mai điểu, phượng hoàng, rồng phụng, tứ linh,... Mỗi hoa văn đều có những giá trị nhất định, chứa đựng tâm ý của người thợ gốm, của cuộc sống người Nam Bộ bao đời nay.

Có những hoa sen nở trên bình gốm thủ công

Hoa sen là hình ảnh quen thuộc trong đời sống của người Việt. Là một trong bát bửu của triết lý nhà Phật. Theo quan niệm Nho giáo, hoa sen là biểu tượng của sự mạnh mẽ, thuần khiết và ý chí kiên cường của người quân tử, giữ chặt lòng mình trước cám dỗ lợi danh dù đang đứng chỗ bùn nhơ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. 

Nhưng ý nghĩa thâm sâu nhất của hoa sen là sự tĩnh lặng trong tâm hồn, vẻ đẹp giản dị thanh thoát từ tâm. Hoa sen đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt, cùng quan niệm vật dụng trong gia đình có hoa sen mang lại may mắn, tài lộc và thịnh vượng. Nên không lấy gì làm lạ khi các họa tiết  hoa sen được ứng dụng trong trang trí phổ biến như vậy.

Đến Vườn Nhà Gốm, đâu đó trên kệ hay ngoài vườn đều có thể bắt gặp chi tiết hoa sen được khắc, vẽ hay đắp nổi trên các sản phẩm gốm. Hình ảnh này không những làm cho sản phẩm gốm toát lên nét giản dị, thuần khiết mà còn cho cảm giác mộc mạc thanh tao, vừa thiêng liêng vừa gần gũi.

Cặp đôi âm - dương điển hình trên bình gốm Nam Bộ

Mai Điểu - hình ảnh hoa mai và chim muôn là cặp đôi truyền thống trong nghệ thuật và tạo hình của dân gian. Là hình ảnh tươi đẹp của mùa xuân mới. Một là tượng trưng cho sự thuần khiết, mạnh mẽ và khiêm tốn; Một mang không khí vui tươi, rạo rực như lời chúc phúc cho vạn vật xung quanh. 

Sự kết hợp của cặp đôi “động” và “tĩnh” làm cho âm, dương hài hòa, gắn kết mang lại sự may mắn,thịnh vượng, hạnh phúc bền lâu.

“Tái sinh” gốm mỹ nghệ qua hình ảnh phượng hoàng

Phụng là một trong tứ linh (long, lân, quy, phụng) tên gọi đầy đủ là Phượng Hoàng. Phượng là giống đực, Hoàng là giống cái, thể hiện nguyên lí của âm và dương hay là biểu tượng về mối quan hệ chính thức của cặp đôi nam nữ.

Quan niệm dân gian cho rằng, Phượng là chúa tể và kết tinh được vẻ đẹp mềm mại, thanh lịch duyên dáng của 360 loài chim, đặc biệt là cẩm kê và công. Không chỉ sặc sỡ, bộ lông của Phượng hoàng bao gồm 5 màu theo triết học phương Đông là vàng, trắng, đỏ, đen, xanh lá cây tương ứng với 5 giá trị Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín trong Nho giáo.

Với đặc tính ngay thẳng, lương thiện, công bằng, chung thủy, lòng khoan đại, hình tượng Phượng Hoàng được sử dụng rộng rãi để trang trí các tác phẩm nghệ thuật và trong cuộc sống.

Rồng - Phụng đồ án hài hòa của gốm Nam Bộ

Rồng là con vật đứng đầu trong tứ linh “long, lân, quy, phụng”. Đây là con vật huyền thoại được cách điệu từ rắn và cá sấu, có loại có sừng, có loại không sừng. Quan niệm phổ biến coi rằng Rồng là vật thiêng biểu trưng cho sự mạnh mẽ, nam tính, năng lực phát triển và đồng nhất với nguyên lý dương.

Phụng cũng là con vật trong tứ linh, theo quan niệm truyền thống, Phụng mang lại điềm lành, báo hiệu thái bình thịnh trị. Theo quan niệm dân gian, Phụng biểu trưng cho ánh sáng và hơi ấm mùa hạ và mùa gặt hái hằng năm. Vì thế Phụng đại diện cho nguyên lí âm. 

Đồ án kết hợp Long Phụng biểu thị cho âm dương hòa hợp, trời đất giao hòa, đó là điều kiện thuận lợi tốt lành cho cuộc sống; thể hiện điềm lành, may mắn. Nói rộng ra, đồ án Long Phụng biểu thị cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thái bình thịnh trị.

Tứ linh - lời chúc thịnh vượng trên gốm vuốt tay

Tứ linh là bốn linh vật tượng trưng cho sức mạnh của trời, đất, bắt nguồn từ bốn linh thần Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước. Những linh vật này được người xưa tạo ra đại diện cho 4 nguyên tố chính của trời và đất (nước, lửa, đất, gió),  tượng trưng cho thái bình, thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.

Rồng là con vật đứng đầu trong tứ linh, có sức mạnh, trí tuệ, quyền uy bậc nhất. Hình ảnh rồng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của Việt Nam, trở thành biểu tượng cao quý và có sức sống vĩnh hằng.

Lân được gọi là linh vật nhân từ, bởi theo truyền thuyết Lân chỉ ăn cỏ và uống nước sạch. Theo quan niệm dân gian, Lân tượng trưng cho sự thái bình, yên ổn, phúc lộc, may mắn và thịnh vượng.

Quy (rùa) là con vật duy nhất là có thật, là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao, thân hình chắc chắn. Rùa được hợp bởi cả âm và dương, dựa vào đặc điểm bụng phẳng tượng trưng cho đất (âm), mai khum tượng trưng cho trời (dương). Rùa từ lâu gắn liền với văn hóa Việt, là linh vật tốt lành mang ý nghĩa trường thọ, có khả năng chiêu tài hóa sát rất lợi về tài lộc, bền vững lâu dài và thịnh vượng.

Phụng là linh vật bất tử, các bộ phận đều có ý nghĩa (đầu đội công lý và đức hạnh, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất). Vì thế phụng tượng trưng cho tính ngay thẳng, lương thiện, công bằng, thủy chung.

Từ những hình ảnh quen thuộc như gà trống, cá, tôm, mẫu đơn,... được vẽ trên chén bát Lái Thiêu, cho đến những nét chấm phá đặc sắc của đồ án hoa sen, mai điểu, rồng phụng, tứ linh,... đều đã góp phần tạo nên nét đặc trưng cho gốm mỹ nghệ Nam Bộ. Những hình ảnh vừa tinh tế, sắc sảo, vừa gần gũi, giản dị đã chứa đựng nhiều ý nguyện, tình cảm và độ tài hoa của con người trên vùng đất mới.

Nếu một lần yêu gốm, anh chị có thể chia sẻ với Vườn Nhà Gốm hoặc gọi 0906 955 485, Vườn nghe.

← Bài trước Bài sau →