Chuyện gốm | Nơi hiện hữu các lối trang trí gốm thủ công Nam Bộ

Chuyện gốm | Nơi hiện hữu các lối trang trí gốm thủ công Nam Bộ

(TT) Nếu ai đã từng lang thang trong không gian của Xưởng, dù nhỏ nhưng luôn mang đến những cảm nhận thú vị, như đang đi lạc vào thế giới của những câu chuyện nhỏ về lịch sử, văn hóa và đặc trưng đời sống của người Nam Bộ. 

Đường nét nào ta chọn lên gốm thủ công

Những tập tục tín ngưỡng, những nếp sống sinh hoạt hàng ngày, những khuynh hướng thưởng thức đều được người thợ ở Xưởng khéo léo thể hiện trên dáng hình, men màu và hoa văn.

Nếu liên kết các sản phẩm ở Xưởng, thì đó như một bức tranh thu nhỏ của gốm Nam Bộ, bởi có đủ cả những loại hình tương ứng theo từng giai đoạn phát triển. Ta thấy đắp nổi của gốm cây Mai, chạm khắc của gốm Biên Hòa và vẽ oxit của gốm Lái Thiêu. Để có được những thành phẩm như thế là cả một quá trình kiên trì, tỉ mỉ và điêu luyện của nhiều đam mê từ người.

Nét gốm đắp nổi cây mai

Các sản phẩm đắp nổi được thực hiện hết sức chi tiết, tỉ mỉ và điêu luyện. Đắp nổi là một trong những kĩ thuật độc đáo của gốm Cây Mai tức là nặn đất thành hình rồi dán lên sản phẩm các hoạ tiết, hình khối hoa lá và chim muông. Nhờ vậy mà gốm đắp nổi luôn có hồn và sống động hơn.

Xưởng có các loại sản phẩm đắp nổi khác nhau với công dụng, hình dáng và màu sắc vô cùng đa dạng và phong phú. Lối trang trí của Xưởng chủ yếu các đề tài hoa lá, cây trái và chim muông. Với nhiều loại men không chỉ tạo màu sắc độc đáo mà còn tạo ra những lớp áo đặc trưng khi thì bóng loáng khi thì dịu nhẹ ngả màu, khi xù xì lạ mắt.

Mỗi một đề tài trên gốm đắp nổi đều luôn chứa đựng những câu chuyện đáng kể, là sự kết hợp của các yếu tố vừa động, vừa tỉnh, vừa tả thực, vừa ước lệ. Tất cả là ý đồ của người sáng tác.

Sản phẩm gốm đắp nổi của Xưởng được yêu thích bởi độ bền và tính thẩm mỹ cao, những chi tiết đắp nổi làm cho sản phẩm sắc sảo, sinh động và độc đáo hơn.

Đường khắc gốm lối Biên Hòa

Xưởng vẫn duy trì thực hiện kỹ thuật chạm khắc theo lối trang trí của gốm Biên Hòa bằng những đường nét riêng biệt. Với lối trang trí này, người thợ dùng một dụng cụ như bút nhưng sắc nhọn để tạo những nét chìm vào trong bề mặt sản phẩm. Độ sâu của nét khắc vừa đủ để làm rãnh ngăn cách không cho màu men chảy lem vào nhau, vừa để tạo nên hình ảnh của một “bức tranh” trang trí hoàn thiện. Để dễ thực hiện và không bị bể nét, thông thường sản phẩm phải được để cho khô trắng.

Họa tiết được vẽ phác bằng chì và sau đó được người thợ khắc lại. Đôi khi lại thấy thợ khắc của Xưởng miệt mài đi từng nét lên cốt gốm mà không cần phác họa trước, bởi có những đường nét đã trở thành quen thuộc, được nhớ mặt, đặt tên như bách hoa, dây lá,...

Ở Xưởng luôn nhận ra sự đa dạng về nội dung và ý nghĩa muốn truyền tải từ những họa tiết trang trí. Này là cuộc sống sinh hoạt cộng đồng hay những hình tượng dân gian được yêu thích, phổ biến có lẽ là tứ linh, dây lá, bách hoa, mai điểu, phụng hoàng,...

Với lối khắc Biên Hòa, hoa văn trang trí trở nên rõ ràng, khỏe mạnh, dứt khoát kết hợp với cách phối màu men sáng tạo, sản phẩm khi hoàn thiện mang lại một trải nghiệm thú vị về độ tinh xảo và từng ý nghĩa của chi tiết được kể.

Nét vẽ trên gốm Lái Thiêu

Có những sản phẩm vẽ trên gốm. Từ những người thợ gốm lâu năm và nhiều mối duyên với gốm, cùng màu vẽ chuyên dụng, sản phẩm vẽ trực tiếp lên gốm luôn mang lại các cảm giác bình dị và dân dã nhưng vẫn giữ được phần thanh thoát, độc đáo.

Xưởng ưu tiên các vẽ lại các chi tiết mang nhiều ý nghĩa tốt lành như hình ảnh con gà trống trên chén dĩa, ống đũa bên cạnh đó là các họa tiết dân gian gần gũi khác.

Dù là đường nét tạo hình đắp nổi của gốm cây Mai, chấm khắc của gốm Biên Hòa hay vẽ mộc của lối gốm Lái Thiêu, thì sản phẩm của Xưởng đều mang ý nghĩa tốt lành và truyền tải các mong muốn sáng tạo, phát triển không ngừng những niềm khát vọng của ông bà ngày trước và chúng mình hôm nay.

Nếu có một lần yêu gốm, anh chị có thể chia sẻ với Vườn những điều thú vị qua những câu chuyện nhỏ xíu đáng nhớ về gốm về nơi chốn này tại Vườn Nhà Gốm hoặc gọi 0906 955 485, Vườn nghe.

← Bài trước Bài sau →