Chuyện sản xuất gốm thủ công | Rủi ro nung lò - Và những “rủi ro” tạo dấu ấn riêng biệt trên gốm thủ công.

Chuyện sản xuất gốm thủ công | Rủi ro nung lò - Và những “rủi ro” tạo dấu ấn riêng biệt trên gốm thủ công.

(TT) - Đến Vườn nhiều người vẫn đặt câu hỏi vì sao có rất nhiều sản phẩm giống nhau về kích thước, hình dạng và cách thức trang trí nhưng khi ra lò mỗi sản phẩm đều có nét khác biệt. Đó chính là đặc trưng của gốm thủ công. 

Thuở xa xưa gốm được làm bằng tay với công nghệ thô sơ và được nung bằng lò củi.

Theo thời gian cách thức sản xuất gốm thủ công đã được cải tiến với sự xuất hiện của bàn xoay, lò nung ga hoặc điện thay thế lò nung bằng củi nên sản phẩm đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, dù nung lò củi hay lò ga thì sản phẩm gốm được sản xuất theo phương pháp truyền thống khi ra lò đều có những “rủi ro” nhất định trên sản phẩm. Và trong số đó có những rủi ro đã vô tình tạo được những sản phẩm gốm độc đáo, riêng biệt.

Những lỗi trên bề mặt men

Thông thường khi ra lò, điểm gây chú ý nhất của sản phẩm là lớp men. Chất lượng của lớp men phủ ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm đặc biệt là về giá trị thẩm mỹ. Khi nung lò, men cần được nung đến một nhiệt độ nhất định để có thể chảy dàn đều và bao phủ khắp bề mặt của sản phẩm. Bên cạnh đó nhiệt độ chảy dàn đều của men phải phù hợp với khoảng nhiệt độ nung chung của lò để thu được không chỉ lớp men bóng mượt trên bề mặt sản phẩm mà còn là chính bản thân sản phẩm được hoàn thiện và kết khối chắc chắn sau khi nung. Vì thế khi nung men có những lỗi nhỏ như hiện bọt khí, cuốn men, chảy men hay men không đúng màu v.v... Đặc biệt hơn nét hỏa biến trên men tạo điểm khác biệt cho sản phẩm gốm thủ công.

Nhiều sản phẩm ra lò có hiện tượng bị sôi men. Đó là những vết bọt khí có kích thước nhỏ hoặc lớn hơn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tạo nên trạng thái sần vỏ cam hay vỏ trứng có thể nhìn thấy xương gốm qua vết châm kim ấy. Nhiều người cho rằng những lỗi châm kim làm giảm đi độ bóng, mịn và thẩm mĩ của bề mặt men nhưng cũng có nhiều người lại thích những vết lấm tấm châm kim trên bề mặt như một sự khác biệt lạ thường với những sản phẩm khác.

Có những lúc bắt gặp một vài sản phẩm bị cuốn men, đó là trên bề mặt men có những vùng trống có kích thước và hình dạng khác nhau không được phủ men, ở rìa những vùng trống đó nhô lên và dày hơn so với bề mặt men. Nếu những vết nứt và vết tróc men xuất hiện trong quá trình nung ở nhiệt độ thấp sẽ dẫn đến trạng thái men bị cuốn lại và không tràn đều trên bề mặt. Những lỗi cuốn men làm bề mặt sản phẩm thô ráp, không đều màu, chỗ có men chỗ không làm mất nét đẹp của gốm.

 

Có lần ra lò thấy men bị dồn chân (đáy), men không đều hay sôi men tạo thành những vết vón cục trên bề mặt có thể do nhiệt độ, do nguyên liệu trong men không phù hợp với nhiệt độ lò hay do chấm men mọi người lại nhắc nhau cùng cố gắng để những lần sau sản phẩm đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn.

Không quên những lần gặp những màu men hỏa biến đẹp, lạ và thú vị mà trước nay chưa từng thấy. Những lúc như vậy là động lực để mọi người sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều màu men mới và lạ hơn. Trong cái “rủi” có cái “may” là vậy.

Lỗi biến dạng sản phẩm

Không phải sử dụng những kĩ thuật tiên tiến hơn thuở xưa như bàn xoay, khuôn, lò nung ga mà sản phẩm khi ra lò sẽ hoàn chỉnh tuyệt đối. Bởi không tránh khỏi những khi sản phẩm bị xé, nứt,gãy, vỡ các chi tiết; hoặc cong vênh các bề mặt phẳng trong quá trình nung lò. Xương gốm quá dày, lẫn tạp chất trong quá trình tạo tác, sản phẩm đặc lỗ thoát khí quá nhỏ là những nguyên nhân làm mất thẩm mỹ cũng như giá trị của sản phẩm.

Rủi ro nung lò là một phần gắn liền với nghề gốm thủ công. Những lúc như thế dẫu có buồn nhưng người làm nghề cũng hiểu rằng đó là điều thú vị khiến gốm thủ công vẫn thu hút mãi không dừng lại. Từ đó đi tìm nguyên nhân để những lần ra lò tiếp theo sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn.

Đam mê trong những lần chờ gốm ra lò

Xưởng vẫn luôn cố gắng mang đến cho khách những trải nghiệm thú vị nhất. Dù không trải nghiệm gắn kết với từng giờ nung lò như người nghệ nhân nhưng các học viên lớp ngắn và dài hạn của Vườn Nhà Gốm Studio cũng phần nào chung nhịp của những lần hồi hộp chờ sản phẩm nung ra lò ấy.

Những sản phẩm trải nghiệm của khách khi tham gia Workshop, Xưởng vẫn luôn kiểm tra và chỉnh sửa đôi chút cho thuận tiện hơn khi nung, đồng thời nhắc nhở học viên trong suốt quá trình học để các khâu luôn có sự cẩn trọng nhất định cho đúng quy chuẩn sản phẩm khi nung lò. Những thấu hiểu và sẻ chia trong lần chờ đợi sản phẩm ra lò đầu tiên là niềm vui và động lực để những lần trải nghiệm tiếp theo sẽ có sản phẩm hoàn thiện hơn. 

Lần đầu đến với gốm là niềm vui và mới lạ, để những lần tiếp theo nữa là niềm đam mê. Sự đam mê từ những điều chưa hoàn thiện, từ những rủi ro. Ấy vậy mà đã níu chân không biết bao người làm nghề trong suốt bao nhiêu năm qua. 

🍀🍀🍀
Vườn Nhà Gốm | Một nơi có gốm
🏡 120 Gia Long, Lái Thiêu, Bình Dương
☎️ 0274 246 1274 
👉 W: https://vuonnhagom.vn/ | Fanpage: www.facebook.com/vuonnhagom

← Bài trước Bài sau →