Chuyện gốm | Chuyện tạo hình cho gốm thủ công

Chuyện gốm | Chuyện tạo hình cho gốm thủ công

(TT) - Một trong những công đoạn quan trọng và thú vị nhất của gốm thủ công là tạo hình. Có lẽ, sau khi chọn đất, tạo hình như một quá trình biến hóa bởi người thợ. Bao nhiêu sản phẩm, dáng hình đều được tạo tác từ đây. Nói đến tạo hình, có nhiều cách khác nhau, nhưng gần gũi nhất chắc có lẽ là xoay tay, nặn gốm và in khuôn.

Từng vòng, từng vòng trên bàn xoay gốm thủ công

Chỉ cần một chiếc bàn xoay, khối đất, nước, mút xốp, dây cắt và một công cụ đặc biệt là người thợ có thể tạo hình trên bàn xoay. Trước khi bắt đầu tạo hình, đất lúc nào cũng cần được nhồi cho dẻo, mịn và kết khối tốt. Việc quan trọng cần làm tiếp theo là “định tâm cho đất”. Lúc này, sau khi cố định đất trên bàn xoay, người thợ sẽ bật máy, những vòng tròn nối tiếp nhau xoay vòng. Nhờ vào việc nương theo những vòng xoay, người thợ tì hai tay thật vững trên đầu gối, một tay đẩy, một tay giữ để đất vào đúng tâm bàn xoay, cứ vậy mà tiếp tục từ tốn giữ cho đất vào đúng tâm bàn xoay.

Khi đất đã vào tâm, người thợ sẽ bắt đầu khui lỗ, nén đáy và từ từ xoay thành dạng ống. Đôi bàn tay cứ tì vào đất, kiên nhẫn theo từng vòng xoay mà kéo đất, cảm nhận và giữ đất theo dáng hình mong muốn. Lúc này đặt bàn tay trái trong khối trụ, tay phải đỡ bên ngoài sao cho hai tay song song. Nếu như tạo dáng sản phẩm bình bầu thì tay trái đẩy nhẹ khối đất, tay phải đồng thời đi song song bên ngoài nâng nhẹ theo. Cứ thế mà tuần tự theo các kỹ thuật cơ bản, lúc buông, lúc chặt, mỗi đoạn đều bổ sung nước liên tục để giữ độ trơn nhất định.

Cuối cùng, sẽ dùng sợi dây thép để cắt sản phẩm. Khi còn ướt nhiều, sản phẩm sẽ không dễ lấy ra khỏi bàn xoay, thường phải đợi ráo nhất định hoặc chỉ những người thợ lâu năm, có kinh nghiệm mới có thể dễ dàng nâng sản phẩm ra khỏi mặt bàn xoay và để lên kệ.

Như là sản phẩm đã được tạo hình cơ bản, công đoạn tiếp theo là xu (còn gọi là cạo nguội). Lần này là người thợ sẽ xử lý đáy và bề mặt sản phẩm cho trơn và đẹp hơn.

Tạo hình gốm thủ công từ đôi bàn tay

Là hình thức tạo hình phổ biến cho những ai lần đầu làm quen với đất, với gốm. Một khối đất, nước, mút xốp và các công cụ cần thiết khác, vậy là mỗi người có thể tự sáng tạo ra các sản phẩm từ ý tưởng của riêng mình vừa độc đáo, vừa mới lạ.

Đất được chọn đã qua xử lý ẩm, mịn và kết khối, đủ điều kiện để nặn, đảm bảo có thể nung được. 

Trước khi tạo ra một sản phẩm nào đó, ta chỉ cần định hình với mẫu có sẵn, sau đó từng bước mà xây đất thành hình, rồi trang trí, vẽ thêm hoa, lá, chim muông bằng các dụng cụ đơn giản. 

Mỗi khi hoàn thành một sản phẩm, người thợ không quên dùng mút xốp ẩm để lau và làm mịn cho bề mặt. Như vậy, khi vào lò mới đảm bảo sản phẩm không bị nứt.

In khuôn cho những dáng hình phức tạp của gốm thủ công

In khuôn là loại hình ít được biết đến trong tạo hình gốm thủ công. Nhưng lại là cách đơn giản để tạo làm ra các sản phẩm với hình khối đa dạng, phức tạp. Chỉ cần có đất, một chiếc khuôn in đúng mẫu và các công cụ trang trí là có thể bắt đầu.

Khuôn in thường được làm bằng thạch cao thường cứng, chịu được lực dễ hút nước trong quá trình thực hiện các thao tác in. Tùy thuộc vào hình dáng sản phẩm mà có những chiếc khuôn từ đơn giản đến phức tạp khác nhau. Dễ dàng nhất cho bất cứ ai làm quen với gốm là khuôn 2 vết, giống như một chiếc hộp dễ dàng đóng, mở và lấy sản phẩm ra ngoài.

Để thực hiện những sản phẩm, cần lấy 1 lượng đất vừa đủ, cán thành tấm đất dày khoảng 0,5cm- 1cm, tấm đất rộng hơn hình in trên khuôn để không bị thiếu đất. Người thợ in sẽ dùng tay để nhấn và giữ đất áp sát vào khuôn để in đúng các chi tiết nhỏ nhất. Sau đó, đợi sản phẩm khô vừa phải là có thể tháo khuôn, lấy sản phẩm ra ngoài. 

Giống như các hình thức tạo hình khác, bất cứ sản phẩm nào cũng phải được làm nguội trước khi tiến hành trang trí và đưa vào lò nùng. Làm nguội là cắt bỏ đi các vết đất dư, vẽ lại các đường nét cần thiết và làm láng bề mặt đảm bảo sản phẩm mượt hơn khi vào lò.

Mỗi một sản phẩm, tùy vào hình dáng và ý đồ người thực hiện mà có thể lựa chọn hình thức tạo hình phù hợp. Dù là xoay gốm, nặn gốm hay in khuôn đều có những điều đặc trưng nhất định. Biết bao câu chuyện được kể tuần tự mỗi lần thực hiện một sản phẩm nào đó. Thông thường, xoay gốm được biết đến nhiều nhưng không đồng nghĩa với việc nặn gốm và in khuôn bị bỏ quên, không nhắc đến.

Nếu một lần yêu gốm, anh chị có thể chia sẻ với Vườn Nhà Gốm hoặc gọi 0906 955 485, Vườn nghe.

← Bài trước Bài sau →