Chuyện gốm | Chuyện kể ở Xưởng gốm thủ công

Chuyện gốm | Chuyện kể ở Xưởng gốm thủ công

(NA)- Nếu vô tình đến với một lò gốm ở Nam Bộ, bạn cũng sẽ nhìn thấy những người thợ gốm với chuyên môn nhất định lúc nào cũng tập trung và tỉ mẩn làm từng việc, từng việc với đất, với men màu và lò nung.

“Đây là khung cảnh cơ bản của một lò sản xuất gốm thủ công, với đầy đủ các công đoạn.” Xưởng vẫn hay nói như vậy mỗi lần đón anh chị đến và nghe kể những chuyện về làm gốm thủ công. Như Xưởng từng kể, Vườn sẽ thử thuật lại quá trình làm gốm thủ công bằng mấy tấm ảnh và mấy dòng tâm tư.

Sản xuất gốm thủ công bao gồm 4 giai đoạn cơ bản: Chọn đất, tạo hình (xoay tay), trang trí, nung lò – ra lò.

Đầu tiên và quan trọng nhất việc làm gốm thủ công là chọn nguồn đất, là cốt xương
Gốm Nam Bộ, gốm Lái Thiêu nói riêng khai thác lợi thế nguồn đất cao lanh, đất sét tại chỗ. Ở đây có 2 loại đất là đất trắng và đất nâu. Cốt đất đã tạo nên độ chắc chắn, bền vững và trọng lượng cho các sản phẩm gốm.
Việc chọn và sử dụng đất là một vấn đề rất thú vị. Bởi vì, chỉ những người yêu đất mới có thể hiểu đất thật kỹ. Và vì hiểu đất, mà người thợ gốm có thể chăm chút, và gửi gắm tâm tư vào hình dáng của sản phẩm gốm. 

Sau khi chọn đất, xử lý đất bằng cách nhồi để loại bỏ bọt khí và các thành phần sỏi, sạn nhỏ khác, sẽ đến với bước tạo hình.

Những dáng hình đầu tiên của gốm thủ công
Ở Vườn Nhà Gốm, việc tạo hình cho sản phẩm chủ yếu là vuốt tay. Nghĩa là áp dụng kỹ thuật bàn xoay để tạo dáng cho các sản phẩm gốm. Tùy vào kỹ năng và tay nghề, mà các sản phẩm được tạo ra khác nhau. Mà ở đó, một người thợ giỏi có kinh nghiệm là người biết nhấn nhá, thêm bớt các chi tiết, điều chỉnh một xíu về dáng hình mà cho ra sản phẩm hoàn thiện, tinh tế.

Toàn bộ các sản phẩm ở đây đều là xoay tay thủ công nhưng lại gần như hoàn toàn giống nhau, với độ chênh lệch rất ít nhận biết được. Đó là chứng minh cho sự lành nghề và tài năng của người thợ gốm.

Sau khi xoay thành dáng cho gốm, người thợ sẽ phơi để sản phẩm ráo nước và tiến hàng cạo nguội.
Cạo nguội, hay còn gọi là xu. Đơn giản hơn, đây là công đoạn xử lý, hoàn thiện, làm đẹp trước khi đến các khâu trang trí. Như anh chị đang thấy, đây là sản phẩm thô và đây là sản phẩm đã cạo nguội xong. Mọi vát cạnh, đất dư, hoặc thiếu đều được làm cho mịn và đều, hình dáng của gốm rõ ràng hơn. Đặc biệt là phần đáy của sản phẩm. Công đoạn này vô cùng quan trọng để tạo nên một sản phẩm gốm hoàn thiện và đẹp. 

Góp hồn cho gốm thủ công
Sau công đoạn hoàn thiện việc tạo hình, sản phẩm gốm lại được chuyền đến tay anh chị thực hiện trang trí.

Ở gốm, có một điều quan trọng là phải hiểu đất, hiểu độ ẩm và hiểu đặc thù dáng hình của từng sản phẩm mà có các phương án trang trí khác nhau. Tùy vào hình thức đắp nổi, khắc, vẽ mà người thợ giữ độ ẩm cho đất phù hợp.

. Đắp nổi là hình thức người thợ sẽ nặn sẵn các họa tiết trang trí như hoa, lá, cây, các con thú,… và “dán” lên sản phẩm bằng một lớp hồ đặc biệt. Lớp hồ này là đất sét pha loãng, có khả năng liên kết các chi tiết. 

. Khắc gốm - khắc âm lên bề mặt sản phẩm và chấm men. Chúng ta cùng tiến vào trong để xem người thợ tạo ra sản phẩm này.

Giống như vẽ lên giấy, người thợ sẽ dùng một dụng cụ có tác dụng giống như viết, họ sẽ khắc từng nét trực tiếp lên bề mặt sản phẩm đã để khô hoàn toàn. Và sẽ có được các nét như thế này. Sau khi khắc xong, sản phẩm được chuyển sang quá trình chấm men để phủ màu. 

Mỗi loại men là một màu khác nhau, được pha chế bởi người thợ chuyên “nghiên cứu về men”.

Màu sắc hiện tại nhìn thấy, khi nung sẽ khác đi, nên tất cả men màu đều được làm dấu và chú thích cẩn thận.

. Vẽ gốm - hình thức dùng màu oxit để vẽ lên sản phẩm. Được gọi là hình thức trang trí vẽ lên gốm. Người thợ sử dụng một loại màu đặc trưng để vẽ lên sản phẩm các hình ảnh và chủ đề khác nhau. Sau khi vẽ xong, sản phẩm sẽ được phủ một lớp thủy tinh trong để khi nung được bóng sáng.

Người Nam Bộ với tính chất thoáng mở nên các chủ đề được họ làm nên cũng rất đa dạng. Thông thường là vẽ lại những hình ảnh thân thuộc xung quanh mình, sau đó là vẽ các đồ án kết hợp, và hình ảnh theo tích truyện của người Hoa. Dù cho là hình vẽ nào, cũng đều chứa đựng tâm tư tình cảm, đặc biệt là ước mong về cuộc sống an vui, hạnh phúc. Tùy và sản phẩm, hình dáng mà người thợ lựa chọn các hình ảnh đồ án phù hợp. Chúng ta thường thấy các đồ án chim kết hợp với hoa sẽ được vẽ trên bình trà, lọ hoa nhiều hơn. Còn các sản phẩm gia dụng như chén bát sẽ thường bắt gặp các hình ảnh con vật như con gà, con cá hay là chim muôn.

Đợi ngày gốm thủ công hoàn thiện vẹn tròn
Nung lò là một trong những khâu quan trọng và quyết định của quá trình sản xuất gốm thủ công. Cho đến khi lấy sản phẩm từ trong lò ra người thợ gốm mới biết được mức độ hoàn thiện của sản phẩm. Vậy nên, cảm xúc mỗi lần ra lò luôn luôn đặc biệt.

Tất cả các công đoạn trước đây đều ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ thành công của sản phẩm gốm khi ra lò. Nói về lò, mỗi một lò gốm luôn có các đặc trưng riêng biệt, không nơi nào giống nơi nào. Ở đây, các sản phẩm gốm được nung bằng lò ga. Tổng thời gian để ra được sản phẩm đối với lò ở đây là 24h, với nhiệt độ nung cao nhất là 1260 độ.

Mức độ thành công của một kỳ lò phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ lò và biểu đồ nung. Vấn đề này liên quan nhiều đến kỹ thuật và tính chất của sản phẩm trong quá trình sản xuất như men và hình dáng, cách thức trang trí. Vì phụ thuộc vào nhiều biến như vậy, nên mỗi kỳ lò thành công cao nhất là từ 70-80%, có khi không lấy được sản phẩm nào - là hư cả kỳ lò. Có thể thấy được các lỗi thường gặp như là: hiện tượng chảy men, xé miệng, ngộp hay bung tróc. 

Mỗi lần ra lò, cầm một sản phẩm hoàn thiện trên tay với màu sắc, hình khối như mong muốn, lúc nào người thợ gốm cũng thấy nhiều niềm vui. Đó là minh chứng cho một quá trình làm việc nhiệt thành và chất chứa nhiều đam mê, tình cảm của cả tập thể.

Đi hết một vòng trong xưởng sản xuất gốm thủ công, hiểu hơn về gốm là có thể tự tay trải nghiệm một công đoạn nho nhỏ trong quá trình sản xuất. Có thể là Vẽ gốm, Nặn gốm hay Xoay gốm, những buổi trải nghiệm ấy cuối tuần nào cũng được tổ chức ở Vườn.

Trong những ngày nắng trong, nhiều bộn bề và lo toan thì gia đình nhỏ của anh chị có thể đến Vườn để từ tốn và thanh tao với gốm thủ công.
Vườn vẫn luôn sẵn sàng đón tiếp ở một không gian “Tự tay làm gốm” - 120, Gia Long, Lái Thiêu, Bình Dương, anh chị cứ gọi (0906 955 485), Vườn nghe.

Tags: chuyengom
← Bài trước Bài sau →